Cục diện chính trường Ba Lan sau tổng tuyển cử trở nên rõ ràng sau khi Ủy ban Bầu cử ngày 18/10 công bố kết quả cuối cùng,óthểthởphàovớikếtquảbầucửvh xác nhận đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền đã đánh mất thế đa số tại quốc hội khi chỉ giành được 35,38% số phiếu bầu, tương đương 190 ghế trong tổng số 460 nghị sĩ.
Đảng dẫn đầu phe đối lập là Liên minh Công dân (KO) của ông Donald Tusk, cựu chủ tịch Hội đồng châu Âu, cùng hai đồng minh là đảng Con đường Thứ ba (TD) và Tân Cánh tả (NL) giành được khoảng 250 ghế đại biểu. Theo quy định, các liên minh giành được quá bán số ghế đại biểu quốc hội Ba Lan sẽ được quyền lập chính phủ mới.
Với kết quả này, PiS đánh mất quyền lực đã nắm giữ 8 năm qua, nhường lại quyền thành lập chính phủ cho liên minh ba đảng đối lập có lập trường chính trị trung dung và thiên tả, khi họ trở thành phe đa số mới trong quốc hội Ba Lan.
PiS không lôi kéo được đảng nào khác để lập vì những bất đồng sâu sắc về lập trường chính trị thiếu thân thiện với một số giá trị chung của Liên minh châu Âu (EU) về kiểm soát quyền lực, hệ thống tư pháp và luật chống phá thai.
Đảng cực hữu Liên hiệp Tự do và Độc lập, chỉ giành được 7,16% phiếu bầu, từ đầu đã tuyên bố không có ý định tham gia liên minh với PiS. Ngay cả khi đảng này đổi ý, họ cũng không thể giúp PiS giành lại thế đa số để thành lập chính phủ.
Giới quan sát cho rằng kết quả bầu cử này có thể giúp Kiev thở phào nhẹ nhõm về tương lai quan hệ với Warsaw, trong bối cảnh chính phủ Ba Lan dưới thời PiS thể hiện lập trường ngày càng cứng rắn với Ukraine.
Trong giai đoạn đầu chiến sự, Ba Lan là một trong những bên ủng hộ Ukraine nhiệt thành nhất. Nhưng trong vài tháng qua, PiS bỗng nhiên quay ngoắt lập trường với Kiev. Thủ tướng Mateusz Morawiecki ủng hộ tẩy chay nông sản Ukraine và tuyên bố ngừng bơm thêm vũ khí cho Kiev. Tổng thống Andrzej Duda, đồng minh của đảng cầm quyền, so sánh Ukraine với "người đang chết đuối", ám chỉ Kiev nên trân trọng hơn hỗ trợ từ Warsaw.
Yếu tố chính thúc đẩy sự thay đổi này chính là cuộc tổng tuyển cử vừa qua, khi PiS đối mặt sức ép tìm thêm phiếu bầu của phe cực hữu, những người vốn theo đuổi chủ nghĩa dân tộc và có quan điểm cứng rắn với Ukraine, theo Max Brandle, giám đốc chi nhánh Warsaw thuộc tổ chức tư vấn chính sách Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) của Đức.
PiS buộc phải cạnh tranh với đảng cực hữu Liên hiệp Tự do và Độc lập ở nhóm cử tri đang cảm thấy mệt mỏi với chiến sự Ukraine, cũng như bộ phận dư luận không hài lòng về con số gần một triệu người tị nạn đến từ nước láng giềng phía đông. Những tuyên bố về chặn nông sản Ukraine xuất khẩu vào Ba Lan hoặc vận chuyển qua nước này cũng là chiến thuật nhằm củng cố vị thế của đảng với nhóm cử tri vùng nông thôn.
"Nỗi lo sợ đánh mất quyền lực trong cuộc bầu cử đã thúc đẩy đảng PiS sẵn sàng dùng mọi biện pháp để lôi kéo các nhóm cử tri tiềm năng, kể cả việc quay lưng với Ukraine", Max Brandle đánh giá.
Dù đó có là chiến thuật tình thế của PiS trong mùa bầu cử, Kiev vẫn chịu rủi ro đối diện loạt chính sách thiếu thân thiện và khó lường từ Warsaw trong kịch bản PiS chiến thắng, bởi đảng cánh hữu này khi đó phải tôn trọng cam kết với cử tri. Ngược lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể phần nào an tâm hơn khi phe đối lập ở Ba Lan lên nắm quyền.
"Phe đối lập nhìn chung ủng hộ những hỗ trợ từ chính phủ Ba Lan cho Ukraine, cũng như các lập trường phản đối Nga, tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời tiếp tục dựa vào NATO và Mỹ để đảm bảo an ninh", tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đại Tây Dương, có trụ sở tại Washington, nhận định.
Donald Tusk, lãnh đạo đảng KO, đã kêu gọi Tổng thống Andrzej Duda nhanh chóng cho phép nhóm đảng thắng cử khởi động quá trình thành lập chính phủ mới. Cương lĩnh tranh cử của đảng KO thời gian qua ủng hộ duy trì hỗ trợ cho Ukraine và phản đối PiS "trở mặt" với láng giềng phía đông.
Ông Tusk cũng là một trong những chính khách EU ủng hộ mạnh mẽ Ukraine từ ngày đầu chiến sự. Ngày 25/2/2022, một ngày sau khi Nga phát động chiến sự, ông chỉ trích các chính phủ EU như Đức, Hungary và Italy "không biết hổ thẹn" khi từ chối áp lệnh trừng phạt tài chính mạnh tay với Moskva ngay lập tức.
Trả lời phỏng vấn trên đài TVN24 trước thềm bầu cử, ông Tusk tái khẳng định lập trường hỗ trợ Ukraine và duy trì quan hệ tốt với Kiev là "vấn đề sống còn" đối với Ba Lan. Ông nhấn mạnh Warsaw có lợi hơn khi đảm bảo được "nền độc lập của Ukraine" và giúp láng giềng "hiện diện trong tổ chức phòng thủ lẫn cộng đồng châu Âu".
Theo Yurii Banakhovych, bình luận viên của trang Ukrinform,liên minh cầm quyền do ông Tusk dẫn đầu cũng có thể thúc đẩy nỗ lực tham gia EU của Ukraine, bởi họ có quan điểm cải thiện quan hệ giữa Ba Lan và EU.
Trong những năm qua, Ba Lan dưới thời PiS có quan hệ căng thẳng với EU vì những khác biệt về hệ giá trị. PiS phản đối EU can thiệp vào tham vọng cải tổ tư pháp ở Ba Lan và những quy định về chống phá thai, vốn bị EU lên án là vi phạm quyền tự do cá nhân.
Bất đồng này khiến Ba Lan không tham gia nhiều vào thảo luận định hình tương lai cho EU, dù rằng ông Tusk từng giữ ghế chủ tịch Hội đồng châu Âu giai đoạn 2014-2019.
"Chính phủ mới của ông Tusk sẽ cải thiện đáng kể quan hệ với Brussels, Đức và những cường quốc khác tại châu Âu. Ba Lan có thể tham gia tích cực hơn vào thảo luận cải cách và mở rộng EU. Ukraine hiểu rõ rằng Ba Lan có vai trò không thể tách rời đối với tiến trình này", Piotr Buras, giám đốc văn phòng tại Warsaw thuộc tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR), nhận định.
Thanh Danh(Theo Newsweek, Reuters)